Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

“Đạo báo” – Sự không bình thường của báo chí Việt Nam

Thông tin đầy rẫy trên mạng làm khiến phóng viên trở nên thụ động là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng đạo báo phổ biến hiện nay.

ICTnews – Sức ép đưa tin nhanh nhất, sự lười biếng, thụ động của phóng viên, sự phổ biến của Internet, kiểm soát nội bộ kém… giúp nạn “đạo báo” hoành hành trong làng báo chí Việt Nam hiện nay.

Ngày 28/2/2009, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức Triển lãm “Tiếp cận báo chí hiện đại”, một nội dung trong sự kiện Tổng kết dự án “Đào tạo nâng cao báo chí Việt Nam giai đoạn 2 (2004-2009)”.

Sau 5 năm, Dự án đã bồi dưỡng nghiệp vụ cho gần 3.000 lượt nhà báo ở các loại hình báo chí về quản lý, kỹ năng báo chí, cách thức thể hiện nội dung thông tin, tiếp cận vấn đề của phóng viên… Dự án cũng tổ chức các hội thảo bàn về các vấn đề đạo đức báo chí.

Bên lề Triển lãm, nhiều chuyên gia, lãnh đạo cơ quan báo chí đã lên tiếng về vấn đề nổi cộm của đạo đức báo chí hiện nay là nạn các báo xào xáo lại thông tin của nhau, hay còn gọi là “đạo báo”. Trong giới báo chí còn lưu truyền có báo điện tử thậm chí có khẩu hiệu “biến cái của người khác thành của mình”.

Bà Vũ Ngọc Dung, Tổng biên tập báo Đất Việt nói mức độ “đạo báo” hiện nay cao hơn rất nhiều so với trước và “đây thực sự là vấn nạn”. Nguyên nhân “đạo báo” theo bà Dung có nhiều, do sức ép thông tin, thời gian và không loại trừ khả năng do bản thân phóng viên lười biếng trong lúc họ chỉ cần vào mạng là có thể tìm thấy rất nhiều thông tin. Cũng có một nguyên nhân nữa mà bà Dung cho là nhiều khi báo bị "oan gia" do cộng tác viên. Cộng tác viên gửi bài cho nhiều báo một lúc, và báo nào đăng sau đương nhiên bị mang tiếng.

Báo Đất Việt có một bộ phận thư ký kiểm soát nội dung, trước khi đăng bài viết phải vào mạng tìm kiếm xem có sự trùng lặp thông tin không. “Lắm lúc thư ký rất khó làm việc vì bài nào cũng đi search rất là khó làm”, bà Dung nói.

Chính vì thế, giải quyết tình trạng này, bà Vũ Ngọc Dung cho rằng trước hết phải giáo dục phóng viên để họ thực sự có ý thức thương hiệu, trách nhiệm của nhà báo, đồng thời lãnh đạo báo phải nghiêm khắc. Ngoài ra, không bao giờ nên sử dụng bài cộng tác viên làm bài "đinh" của một số báo.

Bà Vũ Ngọc Dung cho biết báo Đất Việt rất nghiêm khắc với vấn đề này, ngoài hệ thống kiểm soát chặt chẽ, lãnh đạo báo cũng kiên quyết không đăng những bài có ‘mùi’ xào xáo. Vấn đề ở chỗ, báo có thể kiểm soát được nội bộ nhưng các báo khác thì ngoài tầm với.

“Có lẽ Cục Báo chí nên đứng ra giải quyết… Làm sao để giữa các báo là hợp tác chứ không phải đối đầu, đối thủ, kéo nhau ra tòa”, bà Dung nói.

Nhưng quan điểm của cơ quan quản lý trong vấn đề này là trước hết các báo cần phải lên tiếng bảo vệ bản quyền của mình.

“Bản thân chính các báo phải lên tiếng, cơ quan quản lý mới có cơ sở để vào cuộc”, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) nói. “Chứ im lặng [là] rất khó. Không nên nể nang. Đã đến lúc xã hội phải minh bạch, rõ ràng”.

Ông Lượng cũng công nhận một thực tế có chuyện báo điện tử biên tập lại tin, bài của báo in biến thành của mình và đang có những nhóm phóng viên của các báo ‘hợp tác’ chia sẻ thông tin với nhau – điều mà ông cho là rất nguy hiểm vì phóng viên không chứng kiến sự việc và không trực tiếp kiểm chứng thông tin. Tuy nhiên, theo ông khi tính chuyên nghiệp của báo chí tăng lên thì tình trạng này sẽ bớt đi.

Là nhà báo, từng tu nghiệp báo chí ở nước ngoài, PGS. TS. Đinh Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) yêu cầu rất khắt khe về bản quyền báo chí. Nhà báo phải có ý thức được cái gì là sản phẩm do mình làm ra và việc sử dụng lại ý tưởng, thông tin ở đâu cũng đều phải trích dẫn.

Nhưng trên thực tế, bà Hằng nhận thấy tình trạng “đạo báo” trong báo chí Việt Nam xảy ra nhiều hơn trước.

“Các nhà báo cảm thấy đó là việc bình thường, coi cóp [sao chép] ở đâu đó vài ý là bình thường [nhưng] tôi nghĩ đấy là chuyện không bình thường”, bà Hằng nói. “Đúng là công nghệ thông tin điện tử giúp cho các nhà báo có khả năng nghiên cứu, thu thập thông tin nhanh hơn nhưng không có nghĩa lấy bài của người khác cho vào bài của mình là xong”.

Hành động “đạo báo”, theo bà Hằng là nhà báo không có đạo đức và đánh lừa bạn đọc. Bà hy vọng sắp tới các cơ quan báo chí xiết chặt kỷ luật và mỗi phóng viên cần xem lại vì đây là vấn đề danh dự.

“Tôi không nghĩ sắp tới tình trạng này sẽ xảy ra nhiều hơn mà báo chí sẽ đạt trình độ chuyên nghiệp hơn và bớt đi tình trạng cóp nhặt của nhau”, bà Hằng nói.

Lê Hạnh

hanh@ictnews.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét